CEO Nguyễn Đinh Nguyên được biết đến như một “chiến binh thầm lặng” với những dự án không hào nhoáng nhưng thực tế và hiệu quả. Có lẽ, hành trình “tô xanh” bản đồ Việt của anh cũng bắt đầu với những bước đi chậm rãi mà vững vàng như thế.
“Bao nhiêu năm nay, con người đã sống với thói quen được nhận những điều 'miễn phí' từ thiên nhiên mà quên mất rằng, chúng ta cũng cần nói lời cảm ơn với sự kì diệu mà tạo hóa đã ban tặng” - câu chuyện về môi trường được bắt đầu với câu nói quyết liệt những cũng đầy trăn trở của Nguyễn Đinh Nguyên, người đàn ông luôn thấy mình như “mắc nợ” với thiên nhiên.
CEO Nguyễn Đinh Nguyên được biết đến là người đứng sau các sự kiện về tái chế rác thải nhựa nổi tiếng ở Hà Nội trong những năm gần đây. Anh là Giám đốc Công ty Cổ phần Tòhe - một doanh nghiệp xã hội với các dự án dành riêng cho trẻ em khuyết tật và các vấn đề liên quan đến môi trường.
Bắt đầu từ năm 2006, thông qua các sân chơi sáng tạo nghệ thuật miễn phí tổ chức hàng tuần, tác phẩm của các trẻ em khuyết tật được Tòhe sử dụng làm họa tiết trang trí in trên các sản phẩm như: túi, ví, quần áo, phụ kiện công nghệ, đồ chơi trẻ em... Các sản phẩm này được phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế, với một phần lợi nhuận được sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và trao học bổng cho các em có năng khiếu.
Nếu như Tòhe là dự án giúp CEO Nguyễn Đinh Nguyên “hiện thực hóa” mong muốn lan tỏa sự hồn nhiên, trong trẻo và tình yêu thương trong xã hội, thì phải đến những năm gần đây, những mong mỏi của anh về việc gìn giữ một môi trường xanh mới dần từng bước được thực hiện.
Dành hơn 10 năm tìm hiểu, theo dõi những chuyển biến của môi trường Việt Nam, anh Nguyên sẵn sàng làm những thứ mà người ta lâu nay vẫn cho là viển vông. Những năm tháng “lăn lộn” với nghề cũng đã giúp anh có cái nhìn thực tế hơn về việc bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan du lịch Việt Nam hiện nay.
10 NĂM HÀNH TRÌNH GIỮ LẠI “MÀU XANH” CHO THIÊN NHIÊN VIỆT
Trước khi được biết đến vai trò CEO của một doanh nghiệp xã hội, anh Nguyễn Đinh Nguyên từng có nhiều năm nghiên cứu và đồng hành với các dự án về môi trường liên quan đến rác thải, nạn chặt phá rừng, săn bắt thú… Khi bắt tay với công việc truyền thông, anh nhận ra vấn đề bảo vệ môi trường không còn là câu chuyện của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà là câu chuyện chung của cả nhân loại. Song tại thời điểm đó, những hoạt động truyền thông chưa thực sự đem lại hiệu quả. Người ta nói nhiều về tuyên truyền, cung cấp nhiều về kiến thức, nhưng không ai đưa ra một giải pháp hiện hữu và thực tế.
Theo anh Nguyên, về bản chất hoạt động bảo vệ môi trường tại thời điểm đó - thậm chí cả bây giờ, cần sự tham gia của tất cả mọi người và rất cần những giải pháp cụ thể để không biến câu chuyện môi trường trở thành thứ lý thuyết “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Tháng 6/2019, anh Nguyên cùng với Tòhe tạo ra một triển lãm “Lốc xoáy” rác thải nhựa khổng lồ ở Hà Nội. Trung tâm triển lãm trở thành nơi check-in đông đảo của giới trẻ, thậm chí có thể coi là một trào lưu trong thời gian ngắn. Nhưng anh Nguyên nhắc lại rằng, anh cần nhiều hơn một trào lưu - “cần có giải pháp để thay đổi hành vi”.